thoitiet24h

Lũ lụt ở Nghệ An: Hiểu đúng tần suất lũ 5000 năm mới có một lần

26/07/2025 - Lượt xem: 194
Chia sẻ:
Đánh giá: 5.0 - 50 Lượt

Hồi 21 giờ ngày 22/7, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành thông báo khẩn liên quan đến hồ thủy điện Bản Vẽ tại xã Yên Na xả lũ. Theo thông báo, lưu lượng về thượng hồ thủy điện đạt 9.543m3/s, gần đạt lưu lượng đỉnh lũ là 10.500m3/s ( tần suất 0,02%, tức là 5000 năm mới xảy ra một lần).

Trước thông tin 5000 năm mới xảy ra một lần khiến dư luận xôn xao trước tình hình lũ lụt ở Nghệ An

 Mưa lũ lịch sử ở Nghệ An

Mưa lũ lịch sử ở Nghệ An

Hiểu đúng tần suất lũ 5000 năm mới có một lần

Ông Tạ Hữu Hùng – Giám đốc Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ – cho biết, đến khoảng 2 giờ ngày 23/7, lưu lượng nước về hồ đã tăng lên 12.800 m³/s, vượt qua mức đỉnh lũ kiểm tra với chu kỳ 5.000 năm.

Giải thích về con số “5.000 năm một lần”, ông Hùng cho biết đây là một chỉ số mang tính thống kê kỹ thuật. “Tần suất 0,02% tương ứng với chu kỳ 5.000 năm. Tương tự, tần suất 1% tương đương chu kỳ 100 năm, tần suất 0,1% là 1.000 năm. Khi xây dựng các công trình thủy điện, người ta thường áp dụng hai mức tần suất: lũ thiết kế và lũ kiểm tra. Riêng với thủy điện Bản Vẽ – mức lũ kiểm tra được xác định dựa trên tần suất 0,02%,” ông Hùng cho biết.

Ông Hùng cũng nhấn mạnh, con số này dựa trên các tính toán xác suất và mô hình thống kê thủy văn, không phản ánh những trận lũ đã từng xảy ra trong thực tế.

Lãnh đạo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phát triển sự nghiệp tỉnh Nghệ An cũng khẳng định rằng con số “5.000 năm” chỉ là chu kỳ lý thuyết theo thống kê kỹ thuật. “Đây là cách quy đổi xác suất thành chu kỳ lặp lại. Trên thực tế, chưa từng có ai chứng kiến trận lũ với cấp độ đó, nhưng thông số này được sử dụng để đánh giá rủi ro và thiết kế công trình đạt cấp độ an toàn rất cao,” vị lãnh đạo này cho biết thêm.

 Đập thủy điện Bản Vẽ xả lũ

Đập thủy điện Bản Vẽ xả lũ

Lũ lụt ở Nghệ An gây thiệt hại nghiêm trọng

Do ảnh hưởng từ cơn bão số 3 Wipha, khu vực Nghệ An và Thanh Hóa có mưa lớn cùng lưu lượng mưa nhiều, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân trong khu vực. 

Mưa lớn, lũ ở thượng nguồn dồn về các sông suối ở khu vực thượng đã xuất hiện 1 đợt lũ lớn. 

  • Ở Mường Xén, lũ lớn đã xuất hiện với mực nước vượt mức lũ kỷ lục năm 2011 là 0,4m.

  • Tại Thạch Giám, lũ vượt mức lũ kỷ lục năm 2018 là 3,91m.

  • Ở Con Cuông, mức lũ vượt mức kỷ lục năm 1975 là 0,66m.

Do mực nước lũ dâng cao, nhiều sông suối nhỏ và khu vực ven sông Cả bị ngập cục bộ. Đồng thời, một số điểm sạt lở đã xuất hiện trên các tuyến giao thông, khiến một số xã miền núi của tỉnh Nghệ An bị chia cắt tạm thời.

Theo thống kê ban đầu, tại tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 3 người thiệt mạng, 1 người mất tích, 4 người bị thương, 417 căn nhà hư hại và 3.237 căn bị ngập nước.

Tính đến 11h ngày 23-7, hàng ngàn hộ dân đã được di dời đến nơi an toàn. Hiện nhiều xã vẫn đang bị cô lập, chia cắt và mất điện hoàn toàn, gồm: 21 thôn, bản của huyện Tương Dương; 29 hộ tại Tam Quang cùng hàng trăm hộ ở các xã Châu Khê, Hữu Khuông, Keng Đu, Mỹ Lý, Hữu Kiệm, Bắc Lý, Mường Típ, Nhôn Mai, Tam Quang và Con Cuông.

 Lũ lụt ở Nghệ An lan rộng nhiều phường xã

Lũ lụt ở Nghệ An lan rộng nhiều phường xã

Người dân xã Nhân Hòa đi sơ tán tránh lũ trong đêm 23/7

Người dân xã Nhân Hòa đi sơ tán tránh lũ trong đêm 23/7

 Ngọn núi qua địa bàn Quế Phong cũ có nhiều điểm sạt lở ( ngày 23/7)

Ngọn núi qua địa bàn Quế Phong cũ có nhiều điểm sạt lở ( ngày 23/7)

Chính quyền, người dân nâng cao tinh thần ứng phó lũ lụt

Chiều 23-7, ông Nguyễn Đức Trung – Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An – đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Tỉnh ủy nhằm chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3 (bão Wipha), mưa lũ do hoàn lưu bão gây ra và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm.

Tại cuộc họp, ông Trung yêu cầu các địa phương, đơn vị trong vùng ảnh hưởng duy trì trực ban 24/24h, thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” để ứng phó ở mức cao nhất, đặc biệt bảo đảm an toàn tính mạng người dân và hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản của nhân dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Ông nhấn mạnh việc rà soát kỹ các khu dân cư ven sông, suối, vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở; kịp thời sơ tán người dân đến nơi an toàn và sẵn sàng cưỡng chế khi cần thiết, huy động lực lượng hỗ trợ di dời người và tài sản. Đồng thời, nhanh chóng tiếp cận các khu vực bị cô lập để cung ứng nhu yếu phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường, khử trùng, phòng ngừa dịch bệnh và dọn dẹp sau khi nước rút.

Ông cũng chỉ đạo các nhà máy thủy điện tuân thủ nghiêm quy trình xả lũ, kịp thời thông báo đến các địa phương để triển khai cảnh báo và thông tin đầy đủ đến người dân vùng bị ảnh hưởng.

Đánh giá: 5.0 - 50 Lượt
Chia sẻ:

Bài viết liên quan

0 Bình luận

Bộ lọc

Để lại bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *
Gửi bình luận
 
 
up arrow